|
Câu Hỏi 148: Bài giáo giới nhân buổi lễ mừng Sinh nhật Thiền sư.
Ngày 29 tháng 11 năm 2008 tại Thiền đường Thiền Viện Nguyên Thủy
Thiền sư Dhammapàla : Câu hỏi này thật sự là câu hỏi khó nhất đối với tôi, bởi vì trong đời sống của một vị Tỳ kheo tôi không thể ca hát, không góp phần được gì cho buổi lễ. Nhưng trong buổi lễ sáng nay tôi thật sự cảm nhận được nhiều điều. Điều thứ nhất nhắc nhở tôi về vấn đề sanh tử. Điều thứ hai là về tiền bạc, nếu như không có tiền chúng ta sẽ không làm được gì cả. Đồng tiền cũng có hai mặt tương tự như cuộc sống của chúng ta cũng có hai mặt là sanh và tử, chúng ta luôn đối diện với nó, nghĩa là có sanh tất nhiên phải có tử, không gì khác. Khi chúng ta chết thi hài của chúng ta cũng chỉ giữ lại không quá ba ngày, sau đó người ta sẽ quăng xác chúng ta ra nghĩa địa. Vì vậy trong khoảng thời gian giữa sanh và tử này chúng ta xử dụng thân này như thế nào cho có ý nghĩa. Nếu chúng ta có một cuộc sống, một kiếp người, chúng ta có dùng thân này để tìm cầu trí tuệ, trí tuệ chính là hạnh phúc trong khoảng thời gian giữa sanh và tử.
Kiếp sống không có trí tuệ thật sự lãng phí và chúng ta đã đánh mất cuộc sống quý giá của mình. Nếu chúng ta không có trí tuệ, làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được những nghịch cảnh của cuộc đời. Trong khoảng thời gian giữa sanh và tử chúng ta phải chịu đựng biết bao nhiêu là những sầu, bi, khổ, ưu, não. Nếu như không có trí tuệ làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được những khổ đau, chúng ta không đủ sức để vượt qua những trở ngại trong cuộc đời này. Trong kinh Pháp cú số 152 Đức Phật dạy rằng, người không có trí tuệ khác gì con trâu già nhiều thịt. Vì vậy qua buổi lễ sáng nay tôi suy nghĩ một địều làm thế nào chúng ta có thể mài dũa trí tuệ của mình mỗi lúc càng thêm bén nhạy. Ở một khía cạnh khác, tôi vô cùng hoan hỷ với sự long trọng, với sự tổ chức của buổi lễ đồng thời tôi cũng hoan hỷ thấy mình thêm một năm nữa đến gần với cái chết.
Do đó nếu chúng ta vui mừng với buổi tiệc sinh nhật của mình đồng thời chúng ta cũng phải biết vui mừng với sự đi gần đến cái chết của chính mình. Một điều chúng ta phải hiểu rằng nếu trong cuộc đời chúng ta bước gần đến cái chết trong từng năm sinh nhật mà không có trí tuệ sẽ như thế nào. Đối với tôi buổi lễ sinh nhật long trọng bao nhiêu, sự hoan hỷ lớn dần theo sự tổ chức đó thì có một ý nghĩa trọng đại bấy nhiêu. Một điều quan trọng là khi tôi càng vui mừng bao nhiêu thì tôi càng phải tìm đến chân lý của trí tuệ, chân lý của tâm mình bấy nhiêu. Đó là phải luôn luôn mài dũa tâm mình bén nhọn và không được quên rằng với trí tuệ sẽ hiểu rõ dù buổi lễ có long trọng bao nhiêu, có sự hoan hỷ đến bao nhiêu cũng chỉ là phù du, thế gian này là vô thường, cái chết là tất nhiên. Đối với mọi người thường rất vui mừng hoan hỷ trong ngày sinh nhật và thường khóc trước cái chết của mình. Ai cũng tin rằng mình có thể sống hàng trăm năm, đó chỉ là ảo tưởng bởi vì Pháp Đức Phật dạy rất rõ đời là vô thường chỉ có niết bàn là thường, vì vậy tâm tôi luôn nhạy bén để không vui mừng mà quên đi sự thật chân lý về cái chết. Càng hoan hỷ bao nhiêu tôi càng tìm đến trí tuệ để thấy rõ, để có một sự suy xét chân chánh.
Với sự suy xét đó tôi cũng đã khởi lên những suy tư khác. Sáng nay quý vị chúc mừng sinh nhật bằng những món quà tặng và vô cùng kính trọng tôi, làm cho tôi hạnh phúc, tất cả những điều đó bày tỏ tấm lòng của quý vị nhưng đối với tôi đó là những liều thuốc độc ngọt ngào. Quý vị nghĩ sao về liều thuốc độc ngọt ngào? Nếu như ai cũng biết đó là thuốc độc thì không ai dám xử dụng nhưng nếu nó ngọt ngào chúng ta sẽ nuốt ngay và quên rằng đây là những liều thuốc độc, có đúng như vậy không? Tôi xin nhấn mạnh đối với cuộc đời của các vị Tỳ kheo đây là liều thuốc độc. Nó khiến chúng ta chết đi sống lại nhiều đời nhiều kiếp. Đó là sự dính mắc và ai cũng thích sự dính mắc này và càng chấp thủ vào nó. Thật sự nó là những hương vị ngọt ngào và vì đó chúng ta càng chấp thủ. Trong đời sống của một vị Tỳ kheo nếu vị ấy dính mắc vào những thứ này chắc chắn sẽ không bao giờ có được sự giải thoát. Vì vậy càng dính mắc, càng chấp thủ vào những điều ngọt ngào này tâm ô nhiễm càng phát triển mạnh mẽ hơn. Điều đó có nghĩa là khi quý vị tìm thấy ở tôi những lỗi lầm, những tâm ô nhiễm quý vị sẽ xa lánh tôi ngay, có đúng không?
Khi tôi vui mừng hoan hỷ với buổi lễ, với sự cúng dường của quý vị, điều này cũng có nghĩa là tôi đã ngã gục trước sự cám dỗ và mê say với những viên thuốc độc bọc đường, điều đó sẽ dẫn dắt tôi đến những điều tệ hại với tâm ô nhiễm. Khi quý vị tìm thấy những lỗi lầm trong cách cư xử trong sự dạy dỗ của tôi, quý vị không hài lòng với cách dạy của tôi, quý vị sẽ tìm đến một vị thầy khác. Khi tôi không chuyển đổi tâm mình trong sạch thì điều xấu đó sẽ xảy ra. Chính vì thế tôi đã định cho mình một mục tiêu giải thoát, tôi sẽ sống độc cư, một mình tu tập và sẽ chết một mình. Tôi chuẩn bị một đời sống phạm hạnh dài hơn, tránh đi những viên thuốc độc bọc đường. Nếu tôi không chuẩn bị tôi sẽ không có những cơ hội cao quý, vì vậy năm 40 tuổi tôi sẽ từ bỏ tất cả, sự từ bỏ này cũng giống như một động tác mà dân gian thường gọi là khạt nhổ đi tất cả những danh vọng, những ham muốn điều tốt đẹp của thế gian. Quý vị có biết tại sao không? Vì tôi cảm thấy hạnh phúc để từ bỏ tất cả. Tôi cũng công nhận có những cảm giác rất đặc biệt trong buổi lễ sáng nay.
Tôi xin nhấn mạnh, khi nghiệp của quý vị trổ sanh, sau này khi chúng ta có nhiều đệ tử, có nhiều nguời ủng hộ cúng dường, chúng ta có thể làm được tất cả những điều mình muốn, có đủ những khả năng quyền hạn, mọi người tin tưởng và hết sức tôn trọng. Chúng ta phải hết sức cẩn thận, đừng bao giờ vui sướng, hoan hỷ trước những điều đó, chẳng khác nào chúng ta rước lấy những liều thuốc độc vô cùng mạnh, cực độc và sẽ giết chúng ta chết không hay.
Tôi xin dừng lời tại đây
Chuyển ngữ: Cô Viên Hương
Chuyển biên: Tu nữ Santacitta
Download cau hoi 167
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|